CHỈ ĐỊNH
- Ngừng tuần hoàn
- Ngừng thở đột ngột nhưng chưa có ngừng tuần hoàn
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
- Nạn nhân nằm ngửa, mở đường dẫn khí bằng cách ngửa đầu và nâng cằm
+ Đặt một bàn tay (thường là tay không thuận) lên trán nạn nhân và đẩy ngửa đầu nạn nhân ra sau một cách nhẹ nhàng trong khi vẫn thả các ngón tay cái và trỏ tự do để bóp bịt mũi nạn nhân nếu cần thổi ngạt
+ Đặt các đầu ngón tay của bàn tay còn lại (thường là tay thuận) dưới cằm nạn nhân, nâng cằm lên để mở đường dẫn khí.
(Không được đẩy mạnh hàm nạn nhân vì động tác này có thể làm cột sống cổ bị tổn thương nặng hơn nếu có kèm chấn thương. Vì vậy, nên mở đường dẫn khí (ngửa đầu và nâng cằm) một cách thận trọng cho cả nạn nhân có hoặc không có tổn thương cột sống cổ).
- Giữ mở đường dẫn khí, kiểm tra hô hấp (quan sát, nghe ngóng và cảm nhận nhịp thở)
+ Quan sát sự di động lồng ngực
+ Nghe tiếng thở qua miệng nạn nhân
+ Cảm nhận hơi thở của nạn nhân
- Quan sát, nghe ngóng và cảm nhận nhịp thở không được quá 10 giây để xác định nạn nhân có thở bình thường hay không. Nếu không chắc chắn là thở bình thường thì tiến hành thổi ngạt ngay như với trường hợp thở bất thường hoặc ngừng thở
+ Tiến hành ngay 2 lần thổi ngạt
+ Nếu đáp ứng, để nạn nhân ở tư thế an toàn (nằm nghiêng, chân trên co, chân dưới duỗi, cẳng tay trên kê dưới cổ, tay dưới duỗi)
+ Nếu không đáp ứng, kiểm tra mạch cảnh/bẹn mất thì tiến hành ép tim
(Cứ sau 30 lần ép tim thì mở đường dẫn khí một lần bằng cách đẩy ngửa đầu ra sau và nâng cằm).
- Tiến hành thổi ngạt
+ Dùng ngón trỏ và ngón cái của bàn tay đang đặt trên trán nạn nhân bóp chặn vào mũi nạn nhân.
+ Mở miệng nạn nhân nhưng vẫn giữ được tư thế nâng cằm.
+ Hít một hơi thở bình thường và đặt môi lên miệng nạn nhân. Đảm bảo tạo được điểm tỳ tốt.
+ Thổi đủ mạnh vào miệng nạn nhân trong 1 giây như nhịp thở bình thường trong khi vẫn quan sát sự căng phồng của lồng ngực.
+ Giữ nguyên tư thế ngửa đầu và nâng cằm, để miệng ra khỏi miệng nạn nhân và quan sát lồng ngực nạn nhân xẹp xuống để thở khí ra.
+ Tiếp tục hít một hơi thở bình thường khác và thổi đủ mạnh vào miệng nạn nhân một lần nữa. Sau đó ngay lập tức dung tay chỉnh lại tư thế nạn nhân và tiến hành tiếp 30 lần ép tim nếu có ngừng tuần hoàn (liên tục ép tim và thổi ngạt với tỷ lệ 30:2) hoặc nếu không có ngừng tuần hoàn thì tiếp tục thổi ngạt 15 – 20 lần/phút cho người lớn, 20 – 25 lần/phút cho trẻ em, 30 – 40 lần/phút cho trẻ nhỏ và sơ sinh. Thổi ngạt cho tới khi nạn nhân tự thở lại được
+ Chỉ dừng lại và kiểm tra nếu nạn nhân bắt đầu thở bình thường. Nếu chưa thở bình thường thì không được gián đoạn việc thổi ngạt và/hoặc hồi sinh tim phổi.
- Nếu thổi ngạt mà không làm lồng ngực căng phồng lên như bình thường, thì khi đó các bước tiếp theo bạn phải làm:
+ Kiểm tra miệng nạn nhân xem có tụt lưỡi hay dị vật không
+ Kiểm tra xem tư thế ngửa đầu và nâng cằm có đúng không
BIẾN CHỨNG VÀ TAI BIẾN
- Làm nặng tổn thương cột sống cổ
- Dị vật vào sâu trong đường thở
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. American Heart Association. Adult Advanced Cardiovascular Life Support : 2010 American Heart Association Guidelines for Cardiopulmonary Resuscitation and Emergency Cardiovascular Care. Circulation. 2010;122:S729-S767
2. Anthony J. Handley, et al. Adult basic life support and use of automated external defibrillators. In: Peter Baskett, Jerry Nolan, A Pocket Book of the European Resuscitation Council Guideline for Resuscitation 2005
3. Elifce O. Cosar. Airway Management and Endotracheal Intubation. In: Richard S. Irwin, James M. Rippe, Manual of Intensive Care Medicine 5th Ed 2010
ThS. BS. Lương Quốc Chính
Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bạch Mai
Tin nhắn