Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
1. Đại cương
- Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có thể gặp phải trường hợp người bệnh nặng hoặc nạn nhân bị chấn thương cần được cấp cứu. Trước khi đội cấp cứu chuyên nghiệp đến, cần phải duy trì sự sống cho nạn nhân bằng những biện pháp cấp cứu ban đầu.
- Cấp cứu ban đầu là sự hỗ trợ và can thiệp ban đầu của người cấp cứu với người bị nạn, bị thương tích, bị bệnh cấp tính, mục đích là để cứu sống nạn nhân, hoặc làm hạn chế những nguy hiểm đe dọa người bệnh, hoặc ngăn không cho tình trạng xấu đi, thúc đẩy quá trình hồi phục.
- Khi phát hiện nạn nhân ở hiện trường, phải tiến hành các biện pháp xử trí cấp cứu ban đầu cho nạn nhân, gọi người trợ giúp, gọi cấp cứu 115
- Cấp cứu ban đầu có vai trò rất quan trọng, quyết định sự sống chết người bị nạn, phục hối chức năng hay tàn tật vĩnh viễn. Thời gian là tối quan trọng trong xử trí cấp cứu.
2. Yêu cầu với người làm cấp cứu ban đầu
- Khi có mặt ở nơi xảy ra tai nạn phải bình tĩnh, đánh giá nhanh hiện trường, kiểm tra hiện trường xung quanh nạn nhân. Loại bỏ hoặc tránh những yếu tố nguy hiểm , gây tai nạn hoặc có nguy cơ gây tai nạn để có thể vừa cứu được nạn nhân vừa bảo vệ được bản thân.
- Đưa nạn nhân ra chỗ an toàn gần nhất để có thể thực hiện ngay các biện pháp cấp cứu ban đầu đạt hiệu quả. Khi đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm cần có tối thiểu 2 người, nên kéo nạn nhân từ phía sau, luồn tay vào nách nạn nhân để kéo, luôn chú ý giữ cổ thẳng và bảo vệ cột sống lưng.
- Đánh giá nhanh tổn thương của nạn nhân
- Tiến hành các biện pháp cấp cứu và xử trí ban đầu thương tổn theo ưu tiên, gọi người hỗ trợ vì có thể có các tổn thương mà bản thân không tự xử trí được, ngay cả khi người cấp cứu là nhân viên y tế, nên liên hệ sớm nhất có thể với đơn vị cấp cứu 115.
- Nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế.
3. Các biện pháp xử trí cấp cứu ban đầu
3.1. Các biện pháp xử trí cấp cứu chung
Các biện pháp xử trí cơ bản ban đầu với các nguyên tắc: A B C D E
Xử trí cấp cứu ban đầu phải được thực hiện ngay sau khi phát hiện thương tổn và nhắc lại đánh giá và xử trí cấp cứu bổ sung bất cứ lúc nào khi bệnh nhân không ổn định. Các bước xử trí ban đầu gồm:
Airway (A) : Đường thở
Trong xử trí đường thở, trước hết cần nhận biết nếu bệnh nhân tỉnh, còn tiếp xúc được hay không? Nếu có tắc nghẽn cần thực hiện ngay lập tức các động tác sau :
+ Nghiêng người ghé sát miệng nạn nhân để xem còn thở hay không.
+ Mở miệng nạn nhân kiểm tra xem có đờm dãi, dị vật hay không?
Móc lấy sạch dị vật đờm dãi. Nếu nạn nhân còn khó thở, cần phải kiểm tra xem có phải do tụt lưỡi để tiến hành kéo lưỡi.
+ Nâng cằm, đẩy hàm giữ cho đường thở được thẳng trục.
+ Tiến hành thổi ngạt đường miệng hoặc đường mũi nếu bệnh nhân ngừng thở.
Breathing (B): Hô hấp
Đánh giá rối loạn hô hấp dựa vào tần số thở, gắng sức hô hấp, xem trên ngực có vết thương không, đặc biệt các trường hợp có thể xử trí được ngay tại chỗ trong khi chờ đợi nhân viên y tế đến, nhất là khi :
+ Nạn nhân có ngừng thở, tím tái. Trường hợp có ngừng thở hay đe dọa ngừng thở phải tiến hành ngay hô hấp nhân tạo miệng-miệng hoặc miệng-mũi.
+ Tổn thương ngực hở, đặt ngay miếng gạc hoặc lấy quần áo sạch đặt lên vết thương và băng kín, mục đích cầm máu và hạn chế khí tràn vào khoang ngực làm nạn nhân khó thở. Tuyệt đối không lấy bỏ dị vật đang cắm trên ngực, nguy cơ sẽ gây chảy máu ồ ạt làm nạn nhân có thể tử vong nhanh chóng.
Circulation (C): Tuần hoàn
Trong khi đánh giá và xử trí tuần hoàn, luôn kiểm tra tiếp tục đường thở và hô hấp. Đối với tuần hoàn, cần kiểm soát chảy máu.
Đánh giá tuần hoàn dựa vào :
+ Mạch ngoại vi ở cổ tay, vùng cổ hay bẹn : mạch nhanh, nhỏ, khó bắt hoặc không bắt được là biểu hiện của suy tuần hoàn, tụt huyết áp.
+ Bệnh nhân có dấu hiệu lơ mơ, da xanh tái, nhợt nhạt, vã mồ hôi, đó là dấu hiệu mất máu. Chỉ có thể kiểm soát chảy máu bên ngoài, còn chảy máu bên trong nhất thiết phải có can thiệp phẫu thuật mới kiểm soát được.
+ Các biện pháp cầm máu đơn giản như băng ép hoặc ép chặt vào chỗ đang chảy máu bằng quần áo hoặc băng gạc sạch vô khuẩn càng tốt, giữ nguyên cho đến khi nhân viên y tế đến, tuyệt đối không bỏ tay đang giữ ép ra hoặc bỏ gạc đang giữ để thay gạc mới sẽ làm cho máu chảy mạnh hơn và khó cầm.
+ Nâng cao chi chảy máu so với mức tim và giữ nguyên, ngoài ra khi nâng cao chi có tác dụng làm cho máu dồn về tim, não tốt hơn.
+ Chỉ đặt garo nếu chi đã cắt cụt và còn đang tiếp tục chảy máu.
+ Trường hợp nạn nhân có ngừng tim cần tiến hành biện pháp hồi sinh tim phổi bằng ép tim ngoài lồng ngực. Nếu có 2 người tiến hành là tốt nhất, vừa hô hấp vừa ép tim ngoài lồng ngực.
Disability (D): Thần kinh
Cần đánh giá nhanh tổn thương hệ thần kinh qua cách đánh giá nhanh theo 4 mức độ như sau :
1- Nạn nhân tỉnh và giao tiếp được bình thường không.
2- Nạn nhân có đáp ứng với lời nói thế nào khi hỏi.
3- Nạn nhân đáp ứng với kích thích đau như thế nào, chỉ áp dụng khi hỏi không thấy trả lời.
4- Nếu không đáp ứng với hỏi hoặc kích thích đau, khi đó nạn nhân đã hôn mê, tiên lượng rất xấu, nên vận chuyển sớm đến cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị.
Các trường hợp tai nạn thương tích gây tử vong, thì có tới 50% nạn nhân chết tại chỗ do tổn thương quá nặng, khoảng 30% chết trong vài giờ sau đó do các biến chứng không được xử trí đúng cách và kịp thời, còn lại 20% chết sau vài ngày vì nhiễm khuẩn, biến chứng…Các trường hợp tổn thương quá nặng là các tổn thương ngay cả nhân viên y tế có các phương tiện cấp cứu cũng không thể cứu sống được.
Trường hợp chấn thương sọ não kín, nếu nạn nhân không tỉnh hoặc theo các mức độ đánh giá trên, mức độ 4 là có biểu hiện tổn thương. Ngoài ra khi bệnh nhân đang tỉnh sau đó rơi vào hôn mê, hoặc có thay đổi mức độ như trên thường có tiếp tục chảy máu hoặc thương tổn trong não nặng lên.
Trường hợp nạn nhân có tổn thương ở đầu hay rách da, vỡ xương, thậm chí chảy dịch não tủy hoặc hở tổ chức não…chỉ nên dùng gạc sạch hoặc quần áo sạch băng lên trên, tuyệt đối không bôi bất cứ thuốc men gì, không rút các dị vật còn cắm tại đó ra.
Exposure (E): Bộc lộ toàn thân
Một nguyên tắc trong khám và đánh giá sơ bộ tổn thương trong cấp cứu ban đầu là phải cởi bỏ quần áo nạn nhân để đánh giá các tổn thương để xử trí, tránh bỏ xót tổn thương. Nếu nạn nhân nghi ngờ có tổn thương cột sống cổ hoặc thắt lưng nên lưu ý bất động cột sống trong quá trình kiểm tra.
Khi bộc lộ cần chú ý vì có thể làm hạ thân nhiệt của nạn nhân nhất là mùa đông nên phải làm nhanh sau đó che phủ ngay cho nạn nhân.
Cần lưu ý kiểm tra xem có chảy máu từ lỗ tiểu ngoài không. Phụ nữ cần lưu ý xem có thai hay không. Ngoài ra xem nạn nhân có nôn ra máu, đi ngoài ra máu…Phải bất động nạn nhân trên ván cứng hoặc nền cứng, tránh di lệch xoay trở nạn nhân gây biến chứng nếu có tổn thương cột sống.
Đặt tư thế an toàn cho nạn nhân
- Tư thế an toàn cho nạn nhân hay tư thế hồi sức là tư thế nhằm để bảo vệ đường thở bệnh nhân, là ưu tiên cao nhất đảm bảo an toàn cho nạn nhân, bệnh nhân. Ở người bệnh hôn mê, khi nằm ngửa, do trọng lực làm hàm rơi ra phía sau, lưỡi bị tụt xuống và làm lấp tắc đường thở. Nếu bệnh nhân nôn trong khi đang nằm ngửa, người bệnh dễ dàng hít phải các chất nôn vào phổi gây tắc đường thở hoặc suy hô hấp rất nguy hiểm. Khi đặt bệnh nhân nằm nghiêng về 1 bên, các chất nôn dễ dàng thoát ra ngoài.
- Tất cả các bệnh nhân hôn mê đền nên được đặt ở tư thế an toàn, trừ khi nghi ngờ có chấn thương cột sống: bệnh cảnh chấn thương, liệt chân, đại tiểu tiện không tự chủ.
- Đặt bệnh nhân nằm nghiêng, tay trên gấp, tay dưới duỗi thẳng ra trước mặt, chân trên co, chân dưới duỗi thẳng. Có thể dùng vải hoặc gối để kê giữ nguyên bệnh nhân ở tư thế như vậy.
Tư thế nằm nghiêng/nửa nằm nghiêng an toàn
4. Các biện pháp xử trí một số tình huống cấp cứu thường gặp
4.1. Đố với bệnh nhân hôn mê hoặc lơ mơ
- Đánh giá ban đầu (ABCDE). Đặt bệnh nhân tư thế nghiêng an toàn. Làm thông thoáng đường thở. Nới rộng khăn, quần áo vùng cổ, ngực, thắt lưng.
- Dùng chăn hoặc khăn phủ nạn nhân. Không cho bệnh nhân ăn bất cứ đồ ăn hoặc uống nào.
- Gọi cấp cứu ngay.
4.2. Cấp cứu ban đầu nạn nhân gãy xương
Sau tai nạn phát hiện nạn nhân gãy xương nên gọi ngay cấp cứu. Các tình huống sau cũng phải gọi cấp cứu ngay:
- Nếu nạn nhân không đáp ứng, không thở hoặc không cử động được. Thực hiện các biện pháp hô hấp nhân tạo ngay nếu không thấy nạn nhân thở hoặc không có nhịp tim.
Băng bó vết thương, nẹp cố định đoạn chi:
- Vết thương chảy máu nhiều
- Ấn nhẹ hoặc cử động cũng gây đau
- Biến dạng chi hoặc khớp
- Xương chọc ra ngoài vết thương
Sơ cứu ngay trong khi chờ đợi đội cấp cứu tới:
• Cầm máu
• Bất động vùng gãy xương bằng nẹp
• Chườm lạnh vùng gãy xương kín để giảm đau
• Xử trí tình trạng tụt huyết áp: cho nạn nhân nằm đầu thấp hơn thân mình và nếu có thể được nên chân kê cao.
4.3. Sơ cứu chấn thương đầu
Khi gặp nạn nhân bị chấn thương đầu, cần biết khi sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân, cần gọi đội cấp cứu chuyên nghiệp khi nạn nhân có các dấu hiệu sau:
• Chảy máu vùng đầu, mặt nhiều
• Thay đổi khả năng nhận thức
• Có quầng đen ở quanh mắt và sau tai
• Ngưng thở, hôn mê hoặc mất cân bằng không thể đứng được
• Yếu hoặc không cử động được tay hoặc chân,
• Đồng tử hai bên không đều
• Nôn nhiều lần
• Nói khó
Sau khi đã gọi cấp cứu, có thể sơ cứu nạn nhân bằng cách:
- Đặt bệnh nhân nằm yên trong tư thế phù hợp, đầu và vai hơi kê cao. Không di chuyển bệnh nhân khi không cần thiết, tránh cử động cổ bệnh nhân, đảm bảo trục thẳng: đầu - cổ - thân mình.
- Cầm máu bằng cách dùng băng gạc vô trùng hoặc quần áo sạch đè vào vết thương. Chú ý không đè trực tiếp vào vết thương nếu nghi ngờ vỡ sọ, khi đó có thể dùng băng gạc hay quần áo sạch quấn quanh vết thương thay vì đè ép trực tiếp.
- Theo dõi nhịp thở và báo động ngay nếu nạn nhân ngưng thở và bắt đầu làm hô hấp nhân tạo trong khi chờ đợi đội cấp cứu tới.
4.4. Sơ cứu nạn nhân chấn thương cột sống cổ
Sau tai nạn nếu nạn nhân có chấn thương cột sống cổ hoặc lưng, không nên di chuyển nạn nhân.
Các dấu hiệu nghi ngờ có chấn thương cột sống:
- Đau nhiều ở vùng cột sống cổ hoặc lưng - thắt lưng.
- Nạn nhân không cử động được cổ.
- Cơ chế chấn thương có lực tác động vào vùng cổ hoặc lưng.
- Nạn nhân kêu đau, cảm giác tê, liệt hoặc mất kiểm soát về vận động tứ chi, rối loạn tiểu tiện.
- Đầu - cổ ở tư thế bất thường.
Tiến hành các biện pháp sau:
- Gọi cho đội vận chuyển cấp cứu chuyên nghiệp 115.
- Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa trên nền phẳng cứng, đặt hai túi cát hai bên cổ hoặc giữ yên trục đầu - cổ thân mình.
- Nếu nạn nhân ngừng thở, tiến hành hô hấp nhân tạo nhưng không được làm động tác ngửa đầu, mà dùng ngón tay kéo nhẹ hàm về phía trước.
- Nếu cần phải di chuyển bệnh nhân thì cần ít nhất ba người. Giữ đầu - cổ và thân mình thật thẳng khi di chuyển bệnh nhân.
Tài liệu tham khảo
1. Nancy Caroline’s Emergency Care in the Streets, Seventh Edition. Chapter 5: EMS Communications
2. WIM V.D; WIM V.Land Marleen B. Primary health care vs. emergency medical assistance: a conceptual framework · Oxford Journals Medicine Health Policy and Planning Volume 17, Issue 1; Pp. 49-60.
3. Abiomed, Inc USA – Patients transport; December 2011
4. Eric torres; michel tashan; mane-pierre rudelin – installer une victime avant son transport a l’ hospital – les dossiers du géneraliste.
5. A guide to choosing appropriate patient transportation - emergency health service branch – march 7, 1997
Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai
Tin nhắn